Home / Địa chỉ ẩm thực / Hủ tiếu sa tế Chợ Lớn
8 December, 2012

Hủ tiếu sa tế Chợ Lớn

Posted in : Địa chỉ ẩm thực, Quán ngon Sài Gòn on by : admin

Đây là thức ăn đặc trưng của người Triều Châu (Tiều) với cách nấu đa vị, riêng biệt không trùng lắp với bất cứ món hủ tíu nào khác ởSài Gòn.

Vì là món ăn địa phương nên không có mấy người biết cách nấu, hầu như các quán hủ tíu sa tế chỉ do người Triều Châu làm chủ và chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nghề gia truyền, người Tiều chỉ truyền cách nấu cho con cháu trong gia đình mà thôi. Như quán Quảng Ký trên đường Triệu Quang Phục, quận 5 là một trong những điểm bán hủ tíu sa tế lâu đời. Khoảng năm 1965, ông Tiết Trinh Quảng mở quán bán hủ tíu sa tế trên sân hội quán Tam Sơn, hiện nay Quảng Ký đã được truyền cho thế hệ thứ hai. Hiệu hủ tíu sa tế Tô Ký trên đường Gia Phú, quận 6 cũng thâm niên mấy mươi năm, hiện Tô Ký có ba địa điểm do ba anh em cùng gia đình được cha truyền nghề và cùng lấy một tên tọa lạc trong khu quận 5, quận 6.

hủ tiếu

Khách hàng hủ tíu sa tế đa số là người vùng Chợ Lớn, nhưng với khách vãng lai khi đã biết tiếng, thế nào vài tháng cũng ghé ăn một lần.

Hủ tíu sa tế nấu rất phức tạp với khoảng 20 loại gia vị, nguyên vật liệu khác nhau. Anh Tiết Quang Huy, chủ quán Quảng Ký, cho biết: để nấu hủ tíu sa tế, đầu tiên phải hầm nồi nước lèo bằng xương bò cho thật đậm. Sau đó, pha từng mẻ nước lèo sa tế với hỗn hợp các loại gia vị như tỏi, hành tím, gừng, sả, đại hồi, tiểu hồi, quế…; xào với dầu mè và sa tế. Rồi cho hỗn hợp này vào nước dùng bò, nêm muối và đường.

Đặc biệt, đường dùng nêm nước lèo sa tế phải là đường vàng mới có vị ngọt đậm đà. Bánh hủ tíu mềm như phở nhưng bản cọng lớn hơn chút ít. Tô hủ tíu sa tế có mùi thơm gia vị ngào ngạt, với vị cay, chua, béo, bùi, mặn, ngọt thật thanh và hơi cay bừng ấm.

Hủ tíu sa tế của người Tiều nhưng món ăn đã được Việt hoá phần nào với cọng rau quế và ngò gai. Hủ tíu sa tế đã góp phần thêm cho sự đa dạng phong phú của ẩm thực Sài Gòn, vốn nổi danh là vùng đất vàng của ẩm thực.

(theo SGTT)