Home / khám phá ẩm thực / Ẩm thực bốn phương / Khám phá bánh và thức uống của ngưòi Khơ-me
9 December, 2012

Khám phá bánh và thức uống của ngưòi Khơ-me

Posted in : Ẩm thực bốn phương, khám phá ẩm thực on by : admin

Ta có thể nêu ra ở đây một vài món bánh, thức uống đặc thù từ chất liệu có một không hai ở Bảy Núi được thi thố ẩm thực vừa qua tại Ngày hội văn hóa Khmer An Giang năm 2006, đó là bánh thốt nốt.

bánh thốt nốt

Bánh được làm bằng trái thốt nốt già, bẻ xuống, chà vào rổ lấy bột, để sau đó trộn với bột gạo, chút dừa nạo, cho vào lá gói (từ lá rừng, lá thốt nốt, nay có cả lá dừa), rồi đem hấp cho bánh nở lên như một búp hoa bằng nắm tay, màu vàng tươi, vị ngọt tinh khiết và mùi thơm đặc trưng của loại trái thốt nốt rất riêng biệt. Một số bánh khác cũng từ chất liệu địa phương như: bánh gừng, bánh lăng bí, dưa củ riềng, nem Sarây…

Cũng từ cây thốt nốt, nước thốt nốt ngọt, làm đường thốt nốt rồi đến rượu thốt nốt chua là một đặc sản rất thuần túy Bảy Núi mà người dân tộc ở đây luôn gắn bó và tự hào với loại cây trồng “thế kỷ” của cha ông để lại.

Nếu ngày xưa lấy nước thốt nốt bằng ống tre, được dày công cưa gọt từng lóng bóng sạch trước khi đem đi đặt phải hong lửa cho cây khít thịt và để một vài miếng dăm cây Sến lấy từ trên rừng để tạo cho nước ngọt thêm, không bị ố chua thì ngày nay chỉ cần ra chợ mua cái keo mủ 2-3 lít về cột dây rồi đem lên cây đặt lấy nước, thật là đơn giản.

Nước có ngon hay không là một vấn đề, song ở đây muốn đề cập là món ngon từ cây đặc sản. Nước uống tươi nguyên chất, vị ngọt thanh tao, ngày nay các quán chế thêm vào ly có đá, cùng cơm trái thốt nốt non, vừa cứng, được xắt mỏng, làm ly thốt nốt lạnh! Nước thốt nốt ngày nay phần lớn khi thu hoạch về chủ yếu nấu lấy đường, làm đường chảy hay đường tán, đường thẻ.

Dùng đường tán uống nước trà là món điểm tâm ưa thích thường nhật của các sư sãi trong chùa dân tộc, và dùng để đãi khách. Rượu thốt nốt chua là loại đặc sản nhưng ngày nay rất ít người làm. Theo tìm hiểu, nước thốt nốt lấy trên cây về, người ta cho một loại cây men, được chặt nhỏ như miếng thuốc Nam vào ủ trong một ngày đêm thì nước có mùi chua như bia lên men, độ cồn khoảng 15-20 độ, uống có hương vị thơm chua rất đặc biệt. Rượu thốt nốt chua hiện đang dần dần mai một.

Xem ra, ẩm thực của bất cứ dân tộc nào đều cũng mang giá trị nghệ thuật chế biến riêng, nói cách khác, nấu cho đúng cách, ăn cho đúng kiểu, thưởng thức cho đến tận cùng niềm vui thú ẩm thực dù dân dã, đồng quê, đơn giản hay cầu kỳ sang trọng cũng rất cần có một cách nhìn, đó là tấm lòng và tâm hồn ăn uống nữa… mang đậm nét đặc trưng nguồn cội, tổ tiên…

Điểm rất chung của người Việt và người dân tộc Khmer ta là rất thảo ăn. Khi có lễ, cúng tại chùa mỗi nhà quảy một mâm đem đến cúng, và đợi khách ăn xong đem tô chén về, khi thấy các món ăn còn nhiều thì buồn lắm…

Tóm lại, ẩm thực của người Khmer Bảy Núi, còn rất nhiều món dân dã, mộc mạc khác gắn với động vật, cỏ cây núi rừng, không xen lẫn dân tộc anh em trong vùng.